Tạp chí Thợ Code

Một công việc tệ

Tại sao nên đọc bài này
  • Một vài tiêu chí khi mình quyết định làm việc trong môi trường nào đó, hoặc khi mình quyết định rời đi

画像が読み込まれない場合はページを更新してみてください。
Một tâm hồn tệ khi đi làm

Đầu tiên mình sẽ nói biểu hiện mà mình đang làm một công việc tệ

  • Ngại tiếp xúc với những người xung quanh, hay bị giật mình
  • Mỗi sáng đều phải đấu tranh giữa suy nghĩ nghỉ một hôm hay là bán mình cho tư bản. Xong kết quả là đi trễ
  • Mong chờ tới 5h, 6h. Lết xác qua con đường kẹt xe, bụi bặm, tắm rửa cái là giống như hồi sinh
  • Mình không được làm việc
  • Có làm gì thì có vẻ nó cũng không có ảnh hưởng lắm…
  • Có quá nhiều đầu việc tranh dành thời gian của bạn, và bạn cứ loay hoay rồi tới cuối ngày chả làm được gì cả. Dù có muốn sắp xếp công việc thì cũng không sắp xếp được
  • Có những suy nghĩ “thằng A, thằng B cùi hơn mình mà lại lương cao hơn, check in chanh xả”
  • Muốn làm nhiều thứ, muốn mua cho mẹ cái này, muốn mua cho bố cái kia nhưng lại chả đủ tiền. Muốn đi du lịch nước ngoài mà lại lo chi phí cao quá

Tạm gọi các biểu hiện trên là trạng thái zombie 🧟‍♂️

Thế bạn có bao nhiêu những biểu hiện trên rồi? Kể mình nghe

Một công việc tệ

Có bao giờ bạn suy nghĩ từ đâu mà mình từ một người nhiệt thành trong công việc, thân thiện với đồng nghiệp, sếp yêu quý lại trở thành một con zombie nơi công sở như vậy chưa?

Đối với mình, có lẽ là công việc đó đang thiếu ở 2 khía cạnh trên 3 khía cạnh:

  • Tiền
  • Kỹ năng học được
  • Giá trị bạn làm ra

Thiếu tiền người ta sẽ gọi là làm vì đam mê, và làm vì đam mê vẫn vui, vì họ có được kỹ năng và họ thấy được giá trị mà họ làm ra. Tuy nhiên, nếu khổ quá thì bạn sẽ bị kẹt trong suy nghĩ ngắn hạn, và lỡ bị kẹt như vậy thì rất khó để thoát ra để hướng cho những gì dài hạn hơn.

Thiếu kỹ năng, bạn vẫn có tiền, vẫn cảm thấy tự hào vì những gì bạn làm ra, tuy nhiên bỗng chốc một khoảng thời gian không dài cũng không ngắn, bạn thấy Tiền không tăng, và có vẻ như mình bị lạc lại so với đám trẻ.

Thiếu giá trị bạn làm ra, loại này nguy hiểm nhất, vì bạn vẫn có tiền, vẫn giỏi lên, nhưng giỏi lên rồi làm điều tốt hay điều xấu thì không ai chắc cả. Cái này nguy hiểm vì bạn CÓ THỂ trở thành một người xấu, và bạn giỏi trong việc làm người xấu nữa. Hoặc là ít kiểu nguy hiểm hơn, bạn rất tâm huyết làm ra một thứ, mà sếp cũng không khen cũng chả chê, ậm ừ.

画像が読み込まれない場合はページを更新してみてください。

Thiếu 1 cái đã khá tệ, mà thiếu 2 cái trên 3 cái thì dễ là tệ lắm. Và dù dài hay ngắn, dù lì lợm hay hời hợt thì tới cuối mình nghĩ bạn sẽ biến bản thân thành Zombie thôi.

Vậy còn sự kết nối với đồng nghiệp, coi công ty như gia đình

Mình đã từng làm trong môi trường mà mọi người rất rất vui, chơi với nhau rất rất là thân. Vậy mà mình vẫn nghỉ. Sau này mình có đi làm gần 2 năm Full time remote ở CoinMarketCap thì mình cũng chả còn thân hay nói chuyện nhiều với ai nữa cả vì đồng nghiệp đều ở Trung Quốc cả, họ nói tiếng Trung, còn mình nói tiếng Anh bập bọe, với mình cũng không ảnh hưởng tới năng lượng khi làm việc lắm.

Mình cũng thấy có kiểu đi làm văn phòng mà mọi người rất rất là enjoy drama chốn công sở, vui vẻ nói chuyện và bàn tán trên trời dưới đất. Xong mọi người về kể là đi làm không biết được gì không, chỉ thấy cười rách cả miệng cả ngày.

Nhưng tới cuối thì mình vẫn nghỉ dù vui hay không, mấy bạn văn phòng mà mình biết cũng vậy. Mình nhận ra là sự kết nối với đồng nghiệp thì rất vui á, nhưng nó chỉ làm mờ đi trạng thái zombie thôi, nghĩa là bạn vẫn zombie thôi, chẳng qua là con zombie có nhiều năng lượng hơn một xíu.

Bởi vì, vui thì vui, cứ 1 tuần mà rủ đi ăn Hadilao 2 lần, mà lương 5 tr thì vui được bao lâu?

Tệ rồi sao?

Thực ra mình nghĩ là mối tương quan giữa công ty và người đi làm là 2 chiều. Nghĩa là ở khía cạnh công ty, không biết là công ty mình đã cung cấp được bộ 3 điều đó cho nhân viên chưa? Ở khía cạnh người đi làm, họ đã tận dụng 3 khía cạnh đó chưa, họ có phát triển ở 3 khía cạnh đó không?

Nên nếu mình bắt đầu một cộng việc thì mình cũng luôn muốn biết là mình sẽ đạt được điều gì ở ba khía cạnh ở trên. Và lúc mình rời đi cũng vậy, có thể chỗ đó không còn cung cấp đủ cho mình ba điều ở trên nữa, hoặc là có chỗ khác cung cấp tốt hơn cho mình.

Suy nghĩ

Nếu bạn làm trong ngành lập trình, thì chắc đã từng nghe nói tới CAP trilemma, Blockchain Trilemma, vân vân…

Đại khái là bạn không thể có cả 3, bạn chỉ có thể 2 trong 3 những thứ ở trên. Mình thấy nó cũng khá hợp lý, thường một môi trường làm việc chỉ đưa cho bạn tốt 2 trong 3 thứ đó. Và việc của mình là biết thật rõ 2 thứ mình cần là gì? Tiếp theo là tìm được một nơi phù hợp để cung cấp cho bạn 2 thứ đó.

Rồi dần dần qua những giai đoạn như vậy thì cái tam giác của mình ngày càng mở rộng ra, ngày càng vững chắc hơn. Vì nó có thể hỗ trợ cho nhau mà.

Nhiều tiền → Vui → Trau dồi thêm kỹ năng → Kỹ năng giỏi → Làm ra được nhiều value hơn → Làm nhiều tiền hơn → …

画像が読み込まれない場合はページを更新してみてください。

Ngoài ra, nếu bạn đang rơi vào trạng thái zombie, không có nghĩ là bạn nên “chạy ngay đi” khỏi công việc đó. Vì nó có thể là trạng thái tạm thời, nó cũng có thể là trạng thái vĩnh viễn. Nên là mình cần biết là mình đang thiếu gì ở trong đó, công ty đang thiếu gì ở trong đó. Và mình, hay công ty có thể sửa những thứ đó để đi đúng hướng hơn không? Nếu câu trả lời là Không thì cứ “Chạy ngay đi!”

P/S: Bài này là một bài cực kì phiến diện của bản thân, vì nó chỉ gói gọn trong trải nghiệm ít ỏi đi làm của mình hay những người mình quan sát được. Vì câu chuyện tại sao một người lại gắn bó với môi trường nào đó hình như có mấy chục cái research với data và kết luận rõ ràng hơn rồi. Vì vậy hãy xem bài này là góc nhìn cực kì phiến diện và hạn hẹp của mình thôi nhé, đừng tin mình 😃

Bài viết: Thanh Le

Photo by Tim Gouw on Unsplash